Cái Mới

28/03/2019

Mùa Chay Chúa Nhật 4 Năm C
Gs 5, 9a.10-12; 2Cr 5, 17-21; Lc 15,1-3.11-32

CÁI MỚI

Các bài đọc phụng vụ hôm nay đặt chúng ta trong bầu khí sau cuộc vượt qua. Người Do thái sau 40 năm lang thang trong sa mạc, nay vào đất hứa, tại Ghin-gan họ cử hành lễ kỷ niệm Vượt Qua biển đỏ, kỷ niệm ngày giải phóng khỏi đất nô lệ Ai cập, ngày vào vùng tự do, ăn sản phẩm do bàn tay lao động sản xuất chứ không còn ăn man-na nữa (x. Bài Đọc 1. Gs 5, 9a.10-12). Bài đọc 2 (2Cr 5, 17-21) nói đến thọ tạo mới đối với những ai ở trong Chúa Kitô, họ được hoà giải với Thiên Chúa, được trở nên công chính. Bài Tin mừng (Lc 15, 1-3.11-32) nói đến lòng cha nhân từ tha thứ và phục hồi chức vị làm con đối với người con hoang đàng trở về: “Em con đây đã chết nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (c.32). Các bài đọc đều nói lên bầu khí sống lại mà trong ba tuần nữa chúng ta mới thực sự bước vào. Cả ba bài đều nói đến sự cắt đứt quá khứ, trồi lên sự sống mới.


Chúng ta sẽ làm cho bài Tin mừng nghèo nàn đi khi chỉ dừng lại nơi khía cạnh luân lý của người thanh niên, muốn tự ý kiến tạo đời mình theo ý muốn, bỏ nhà ra đi bất chấp gia đình; và sau khi bị khuất phục bởi những thất bại cay đắng, hồi tâm trở về với cha già, mà quên đi sự thoả mãn của người cha “có lý” khi cho con mình toại nguyện làm theo tính ngông cuồng của tuổi trẻ. Sách Giôsuê soi sáng chúng ta, sách nói đến lễ Vượt Qua tại Ghin-Gan, một nơi thánh mà người Do thái cử hành sự kết thúc biến cố Xuất hành, nghĩa là hoan hỉ chấm dứt thời kỳ sa mạc, nơi thiếu thốn nhiều mặt, mà man-na là duy nhất thực phẩm hằng ngay. Chấm dứt thời sống trong sa mạc, nay tìm gặp được mối tương quan mới với Thiên Chúa, như thể họ bước từ tuổi thiếu niên hoàn toàn lệ thuộc cha mẹ đến tuổi trưởng thành. Họ ăn những sản phẩm do bàn tay lao động sản xuất, và không còn ăn man-na nữa. Thay đổi thức ăn như một biến chuyển thay đổi tận căn quan hệ giữa Thiên Chúa và dân Ítraen, họ đi từ thời kỳ quản giáo sang thời kỳ ý thức trưởng thành. Từ trong sa mạc đói khát và trần trụi họ tìm gặp mối tương quan mới với Thiên Chúa. Một sự sống mới phất lên nơi dân Do thái.

Tương tự như vậy, hình ảnh nầy cho ta hiểu tâm trạng của người thanh niên đi hoang trở về: từ sa mạc cuộc đời cay đắng về với mái ấm gia đình. Và nỗi niềm hân hoan của người cha đón con về, ông đã không ngớt yêu thương con, tôn trọng ý muốn tự do của con, ông đã mở cửa cho con đi, nhưng không bao giờ ông ngừng hy vọng đón con về. Ông để lối ra, nhưng cũng trù bị đường về, cửa luôn rộng mở. Cái nhân từ của ông ở chỗ đó. Không áp đặt, không chế tài, nhưng luôn luôn chờ đợi con với vòng tay tha thứ. Ông thật tế nhị khi chưa nghe hết lời thú tội của con, ông đã phục hồi nhân phẩm cho con: nhẫn, áo mới, giầy, tiệc rượu với bê béo, ca hát nhảy múa. Chiếc nhẫn chỉ sự cao quý, y phục chỉ chức phận xã hội , giầy dép chỉ sự tự do đi lại, thời đó chỉ người tự do mới được đi dép, tiệc béo và ca hát chỉ sự hân hoan đón chào và chúc mừng. Như thế người con không chỉ được tha thứ mà còn được phục hồi nhân phẩm, phục hồi tư cách làm con.

Sự đón tiếp long trọng như vậy dành cho người tội lỗi thống hối trở về. Khó tin quá! Nơi người con được phục hồi chức phận chúng ta có được hình ảnh của Đức Giêsu là Người Con của Cha, có nhà đạo đức ví Đức Giêsu là người con hoang trở về, sau khi đã ra đi theo tiếng gọi yêu thương nhân loại. Người Con tự huỷ mình ra không, được Cha ôm ấp tôn vinh. Như thế nơi Đức Giêsu hình ảnh người cha nhân từ ôm con và người con được cha ôm ấp được diễn tả trọn vẹn. Còn thánh Phaolô làm vang vọng lại dụ ngôn nầy khi viết: thế giới cũ đã qua đi và thế giới mới đã đến (Bài đọc 2). Đi vào thế giới mới là do lòng tốt hoàn toàn nhưng không của Cha, chứ không phải là công trạng gì của con.

Lạy Chúa Giêsu, người con hoang đó không ai xa lạ, con đã gặp, con đã tiếp xúc, con đã ý thức có khi đó là chính con! Xin cho con đừng bao giờ thất vọng vì tội lỗi của mình nhưng tin cậy vào lòng nhân từ hay tha thứ của Chúa. “Thôi đứng dậy, đi về cùng Cha” trong năm thánh Lòng Thương Xót nầy! Amen

Lm Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
GPKONTUM (28/3/2019) KONTUM