Home > TinTức > -LƯỢC QUA NHỮNG VIỆC BÁC ÁI XÃ HỘI CỦA GIÁO PHẬN KONTUM

-LƯỢC QUA NHỮNG VIỆC BÁC ÁI XÃ HỘI CỦA GIÁO PHẬN KONTUM

24/05/2011

 Ban Bác Ái Xã Hội của Giáo Phận Kontum từ lâu không muốn xuất đầu lộ diện trên diễn đàn Truyền thông. Tuy nhiên,  một số vị muốn biết những công tác bác ái xã hội của Giáo phận âm thầm phục vụ như thế nào. Sau đây, chúng tôi xin trình bày trong Blog giáo phận không phải tất cả, nhưng một vài nét sinh hoạt cơ bản của Ban BAXH GPKT. Xin giới thiệu. GPKONTUM (24.05.2011) KONTUM

 

GIÁO PHẬN KONTUM

 

 

VÀI NÉT

VỀ VIỆC BÁC ÁI XÃ HỘI

CỦA GIÁO PHẬN KONTUM

 

 

Tháng 10. 2008


 

 

 

 

LƯỢC QUA NHỮNG VIỆC


BÁC ÁI XÃ HỘI CỦA GIÁO PHẬN KONTUM

 

Bối cảnh Giáo Phận Kontum     

  1. Bao gồm các tỉnh thành: Tỉnh Kontum và tỉnh Gia Lai.
  2. Diện tích: 25.110 Km2
  3. Dân số: 1.584.000 dân.
  4. Số giáo dân: 244.432 giáo dân (số liệu năm 2006).
                                   Kinh: 74.852 người; Thượng: 169.580 người
  5. Thành phần tôn giáo trong giáo phận:
                             Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo, Cao Đài, đạo BaHai.
  6. Các  sắc tộc trong giáo phận: Gồm 40 sắc tộc. Các sắc tộc đông dân nhất: Kinh (khoảng 50%), Bahnar, Jơrai, Sê Đăng, Rơngao, Yơlưng . .
  7. Ngành nghề chủ yếu: Nương rẫy là chính, có trồng thêm cà phê, cao su . . .
  8. Thu nhập bình quân của người dân: Chưa xác định được, nhưng riêng người Thượng thì thu nhập rất thấp. Khoảng cách giàu nghèo giữa người Kinh và người Thượng là rất lớn.


       I/ CƠ CẤU CỦA BAN BAXH GIÁO PHẬN KONTUM.

Stt

Họ và tên

Chức vụ

Lĩnh vực làm việc

Chuyên môn

1 Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông Quản Hạt Giáo Hạt Pleiku Trưởng ban BAXH Trách nhiệm chung
2. Nữ tu Modeste Lê Thị Vi Dòng Phaolô – Đà Nẵng Phó ban Bệnh nhân nghèo       Thượng thiểu số Y sĩ
3. Nữ tu Gioanna Nguyễn Thị Bàng Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phó ban Nghèo, thiên tai
4. Nữ tu Thérésita Lê Thị Liên Dòng Phaolô – Đà Nẵng Phó ban Bệnh nhân Phong
5. Nữ tu Imelda Y Biut Dòng Ảnh Phép Lạ – Kontum Phó ban Mồ côi và nội trú   người Thượng Thiểu số
6. Ông Phêrô Nguyễn Sĩ HùngGiáo dân Giáo xứ Đức An – Pleiku Thư ký Văn phòng sổ sách



II/ CÁC TỔ CHỨC CÓ TẠI GIÁO PHẬN (TỔ CHỨC CỦA CÔNG GIÁO) 

 

Nhân sự:

Stt

Tên tổ chức

Chủ quản

Lĩnh vực hoạt động

Đối tượng thụ hưởng

Số lượng người thụ hưởng

BẢO VỆ SỰ SỐNG – NHÀ DƯỠNG LÃO –

NHÀ HƯỚNG NGHIỆP

1 Bảo vệ sự sống– Pleiku Dòng Phaolô Tránh phá thai Các phụ nữ lỡ lầm

20

2. Nhà Dưỡng Lão An Khê – Pleiku Dòng Phaolô Chăm sóc, nuôi dưỡng Người già neo đơn

43

3. Nhà hướng nghiệp – Pleiku Dòng CĐMVN Huấn nghệ Các em Thượng

66

 

NHÀ KHUYẾT TẬT
4. Nhà Khuyết tật– Pleiku Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể Chăm sóc, nuôi dưỡng Người Thượng nghèo

2

5. Nhà Khuyết Tật Đức An – Pleiku Phạm Thị Hồng Giáo dục Các em Khuyết tật

60

6. Nhà Khuyết tật Phaolô – Pleiku Dòng Phaolô Chăm sóc, nuôi dưỡng Các em khuyết tật

7

 

NHÀ MỒ CÔI


7. Nhà mồ côiSao Mai – Pleiku Dòng Phaolô Giúp các em có được mái ấm gia đình Các cháu mồ côi
8. Nhà Mồ CôiTổ Ấm Vinh Sơn 1, 2 – Kontum. Dòng Ảnh Phép Lạ Giáo dục, Chăm sóc, nuôi dưỡng Các em mồ côi người Thượng

400

 

NHÀ NỘI TRÚ


9 Nhà nội trú – Nhà Mẫu Giáo Thượng Kon Rowang Dòng Phaolô Giáo dục Trẻ em, học sinh Thượng nghèo

174

10 Nhà nội trúKon Jơdreh(Vinh sơn 3) Dòng Ảnh Phép Lạ Giáo dục Học sinh Thượng

40

11. Nhà nội trúKon Tơneh(Vinh sơn 4) Dòng Ảnh Phép Lạ Giáo dục Học sinh Thượng

80

12. Nhà nội trú nhà thờ Chính Tòa Kontum Dòng Ảnh Phép LạDòng MTG Quy Nhơn Giáo dục Học sinh Thượng

230

13. Nhà nội trú TòaGiám Mục Kontum Dòng La san Giáo dục Học sinh Thượng

18

14. Nhà nội trúTrung Nghĩa Dòng Chúa Quan Phòng Giáo dục Học sinh Thượng

33

15. Nhà nội trúVinh Nguyên Kontum Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh sơn Giáo dục Trẻ em, học sinh Thượng nghèo

1

16. Nhà Tình Thương Đức An – Pleiku Dòng Nữ Vương Hòa Bình Giáo dục Người Thượng nghèo

70

17. Nhà nội trú Duy Tân  – Pleiku Dòng CĐMVN Giáo dục Thiếu nữ J’rai

35

NHÀ TRẺ MIỄN PHÍ – GIẢM PHÍ


18. Nhà trẻ Sê-đăng – Pleiku Cô Maria H’ Đoi Giáo dục Trẻ em Thượng

60

19. Nhà trẻ PleiTeng – Pleiku Cô Maria Ưch Giáo dục Trẻ em Thượng

35

20. Nhà trẻ PleiChuêt – Pleiku DCCT Giáo dục Trẻ em Thượng

80

NỒI CHÁO DINH DƯỠNG – NƯỚC SẠCH


21. Nồi cháo sữa dinh dưỡngKontum Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh sơn Chăm sóc, nuôi dưỡng Người già neo đơn, trẻ em suy dinh dưỡng

193

22. Nước sạch Các Dòng tuCác Giáo Xứ Nước sạch trong đời sống Người nghèo

20.000

PHÁT TRIỂN PHỤ NỮ


23. Phát triển phụ nữ– Pleiku Cô Têrêsa Nguyễn Thị Tuyết Mai Phát triển kinh tế Người Thượng

3.000

PHỤC VỤ BỆNH NHÂN PHONG


24. Phục vụ BN Phong – Pleiku Dòng Phaolô Cứu đói, chữa bệnh, phục hồi BN Phong

429

25 Phục vụ cùi và người nghèo ở An Mỹ – Pleiku Dòng PhaolôDòng Ảnh Phép LạDòng CĐMVN Giáo dục, Chăm sóc, nuôi dưỡng BN Phong,BN bại liệt

250

26. Phục vụ cùi và người nghèo ở ĐakĐoa – Pleiku Ông Phaolô Mai Văn Trực Cứu đói, chữa bệnh, phục hồi BN Phong

250

27. Phục vụ cùi và người nghèo ở Măng La-Kontum Dòng Chúa Quan Phòng Giáo dục, Chăm sóc, nuôi dưỡng BN Phong, con cái BN Phong

228

28. Phục vụ cùi và người nghèo Chưsê Dòng MTG Tân ViệtDòng Đa minh Cứu đói, chữa bệnh, phục hồi BN Phong, người Thượng nghèo

300

 29 Phục vụ người nghèo và học sinh nghèo ở Phú Thọ Dòng Phaolô Giáo dục, Chăm sóc, nuôi dưỡng người nghèo và học sinh nghèo

170

30. Phục vụ Trại phong Đakkia Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh sơn – Dòng Ảnh Phép Lạ Chăm sóc, nuôi dưỡng BN Phong, con cái BN Phong

270

TRẠM XÁ – NHÀ NGHỈ BỆNH NHÂN


31. Nhà phục vụ Bệnh nhân – Pleiku MTG Quy Nhơn Chăm sóc, chuyển viện Người Thượng nghèo

50

32 Trạm xá Phaolô   – Kontum Dòng PhaolôDòng Ảnh Phép Lạ Chăm sóc y tế BN Phong, người Thượng nghèo

15.000/năm

 33. Y tế – xã hội– Pleiku Dòng CĐMVN Chăm lo sức khỏe và đời sống Người phong, nghèo, già, neo đơn

4.203

 


III/ NHỮNG VIỆC BAN BAXH ĐÃ VÀ ĐANG THỰC HIỆN


1.       Phục vụ Bệnh Nhân Phong:Từ khoảng năm 1920, giáo phận Kontum đã có trại phong Dakkia. Trại phong này hầu như là cho người Thượng; người Kinh thì đi chữa trị ở trại phong Quy Hòa – Quy Nhơn. Năm 1975, nhà nước quản lý toàn bộ trại phong Dakkia. Bây giờ số người mắc bệnh Phong tại giáo phận Kontum cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong các giáo phận. Hầu hết cũng là người Thượng.

  Ngày nay bệnh phong có thể được chữa lành, nhà Nước cấp không thuốc men, phải “uống đúng liều, uống đúng giờ và phải ăn no bụng”. Những điều này lại khó cho người Thượng ít hiểu biết, nếu không có ai thương yêu hướng dẫn kỹ lưỡng. Khi bị phát hiện là phong cùi, thì sẽ bị đuổi khỏi làng. Thường thì bệnh nhân Phong người Thượng không nghĩ là bệnh phong có thể được chữa lành. Phải có người thuyết phục, dẫn đường, chịu giúp chi phí đi về thì họ mới chịu đi. Các nữ tu đã làm việc này rất tốt. Khi bệnh nặng thì mới đi chữa trị, nên lúc lành bệnh thường  bị tàn phế, lại phải giúp những người tàn phế này làm ăn theo khả năng còn lại của họ, giúp họ có được một căn nhà nhỏ để ở, giúp con cái họ đi học là công việc của Ban BAXH giáo phận lâu nay.

2.       Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi:

Hiện tại trong giáo phận có 3 nhà Mồ Côi, 2 nhà ở Kontum do các Nữ tu người Thượng Dòng Ảnh Phép Lạ phụ trách. Nhà Mồ Côi Tổ Ấm Vinh Sơn 1, Vinh sơn 2 có khoảng 400 em. Ở Pleiku có Nhà Mồ Côi Sao Mai do các Nữ Tu Phaolô tỉnh Dòng Đà Nẵng phụ trách có khoảng 50 em. Các nhà Mồ Côi ở Kontum hầu hết các em là người Thượng. Ở Pleiku có các em người Kinh và người Thượng.

  Thông thường, mồ côi là không còn cả mẹ lẫn cha. Các em mồ côi người Thượng thường thì chỉ mồ côi mẹ hoặc cha. Ngày xưa, sinh con ra mà mẹ chết thì đứa con phải bị chôn sống theo mẹ, vì quan niệm là người bố không thể nuôi con. Người Jarai theo chế độ mẫu hệ, con cái lấy theo họ mẹ. Bây giờ nếu mẹ chết, cháu nhỏ có dì, thì dì nuôi, nếu không thì đem cho nhà Mồ Côi của các Yă (Nữ tu)! Đôi lúc vào Nhà Mồ Côi mà còn cả mẹ lẫn cha! Vì thấy con mình đau yếu quá, nhà thì quá xa bệnh viện, liệu không thể nuôi sống con mình được. Đưa vào nhà Mồ Côi các Yă nuôi là tốt nhất. Như thế các Yă đã cứu rất nhiều em khỏi chết.

Các nhà Mồ Côi này, từ năm 1977 như Nhà Vinh sơn 1 đều sống nhờ sự lao động cực nhọc của các Yă, dần dần các Ân Nhân xa gần hay biết cũng thương giúp đỡ. Các em lớn, vừa phụ với các Yă chăm sóc các em nhỏ, vừa đi học, vừa lao động để thêm cái ăn hằng ngày. . .

Không có ngân quỹ cố định. Sống phó thác vào sự Quan Phòng của Chúa.

3.       Nhà Khuyết TậtRất nhiều trẻ khuyết tật, không có số liệu chính xác.

Khuyết tật bẩm sinh như: Down, bại não, tự kỷ, khiếm thính, câm điếc. . .; khuyết tật do tai nạn; nhất là khuyết tật do suy dinh dưỡng từ khi còn ở trong bụng mẹ. Người nghèo, khi mẹ không có sữa cho con bú, thì chỉ cho con uống nước cháo, vì không có tiền mua cho con sữa ngoài. Có đủ tay chân mà yếu quá không đi được, thì cũng coi là khuyết tật.

Phía xã hội, chưa có nhà Khuyết Tật đúng nghĩa: đủ phương tiện, đủ nhân sự có tình thương. Phía giáo phận đã có mở, nhưng phạm vi nhỏ hẹp. Đức An từ năm 1999, Nữ Tỳ Thánh Thể từ năm 2005, các Nữ Tu Phaolô cũng từ năm 2005. Tất cả đều ở Pleiku, chỉ phục vụ cho khoảng 80 em.

Công việc phục vụ cho trẻ em Khuyết Tật hãy còn rất lớn.

4.       Dạy nghề cho người Thượng:Đa số là nghề may. Các nữ tu các Dòng thường mở các khóa học một năm, có khi hai năm cho các thiếu nữ. Kết quả rất tốt. Sau khi học xong các khóa này, các thiếu nữ có thể may “công nghiệp” cho các công ty, xí nghiệp. Thường thì các em về làng, may tại nhà, lúc nào cũng có khách hàng. Các lớp dạy may được mở nhiều nơi: Nhà thờ Chính tòa Kontum, ở Huyện ĐakGlei phía bắc Kontum, ở nhà thờ Đức An Pleiku, ở An Mỹ, ở Pleichuêt (do một giáo dân). . . Có những thiếu nữ sau khi học xong tại địa phương lại được gởi đi tới Tp HCM hoặc Quy Nhơn để học thêm nâng cao tay nghề.

Đức Giám Mục Kontum rất quan tâm về việc dạy nghề cho các nam thanh niên người Thượng. Hơn 20 thanh niên người Thượng được gửi đi học nghề tại trường dạy nghề do Dòng Don Bosco mở ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Công việc còn rất nhỏ so với nhu cầu rất bao la, nhưng dù sao, đó cũng là cố gắng rất lớn của giáo phận.

5.        Các Nhà Nội Trú cho học sinh Thượng các vùng xa về trọ học:Đức Giám Mục giáo phận quyết tâm tạo mọi điều kiện cho các em người Thượng từ các vùng sâu, vùng xa được có điều kiện đi học. Các linh mục, các Dòng tu nam, nữ được kêu gọi mở cửa nhà, đón các em học sinh người Thượng tạm trú để đi học.

Các học sinh Thượng về Tp HCM học, cũng được ngài thuê nhà ở chung để theo học các trường tại Tp HCM.

Tòa Giám Mục Kontum mở cửa đón khoảng 180 em nam, nhà thờ Chính tòa hơn 230 em nữ, nhà thờ Trung Nghĩa Kontum, các Dòng tu ở Giáo Hạt Kontum, Giáo Hạt Pleiku đều hưởng ứng lời kêu gọi của Giám Mục. Cả giáo phận lo cho khoảng 1800 em học sinh, hầu hết là học sinh nghèo người Thượng, có chỗ trọ để đi học.

  Các sinh viên thuộc giáo phận Kontum đi học tại các thành phố lớn, cũng quy tụ trong Gia Đình ĐakBla, để được chăm lo đời sống tinh thần và cũng có trường hợp giáo phận giúp đỡ về mặt vật chất.

Ban BAXH nên đồng hành với giáo phận về chương trình rất hữu ích này.


SỐ HỌC SINH Ở CÁC NHÀ NỘI TRÚ

TRONG ĐỊA PHẬN  KONTUM

( Số liệu tháng 5. 2008 do Cha Tổng Đại Diện cung cấp)


STT

Tên đơn vị

C. I

C. II

C.III

ĐH-CĐ

Tổng cộng

Nam

Nữ

Kinh

Thượng

1

HẠT PLEUKU

514

183

283

49

921

246

663

489

420

2

HAT KONTUM

140

206

53

19

858

322

52

80

765

3

TỔNG CỘNG

654

389

336

68

1779

568

715

569

1185


 
 

 
 

 
  
6.       Nhà trẻ miễn phí hoặc giảm học phí:

Các nữ tu ở các thành phố, thị xã, thị trấn. . . đã được phép mở các nhà trẻ nhưng phải đóng học phí. Các phụ huynh cũng thích gởi con mình vào những nhà trẻ này, nên không bao giờ đủ chỗ. Hầu hết là con cái người Kinh và có khả năng kinh tế.

Đã có một số “Nhà Giữ Trẻ” trong các làng Thượng. Các “Nhà Giữ Trẻ” miễn phí hoặc giảm phí này, rất được các gia đình người Thượng ưa thích, nhưng khả năng của giáo phận chỉ đáp ứng được rất ít. Điều quan trọng là phải có nhân sự được huấn luyện và phải có cơ sở tương đối.

Người Thượng sinh nhiều con, nếu anh hoặc chị bế em thì không đi học được, nếu mẹ bế con thì không đi lao động được. Mỗi làng có một “Nhà Giữ Trẻ” kiểu này là phương án tốt nhất. Tại những nhà trẻ này các trẻ còn được chăm sóc sức khỏe tốt: xổ lãi, uống nước sạch, ăn uống vệ sinh. . . cho nên các trẻ rất mạnh khỏe và tạo được một thói quen rất tốt cho cả đời. Khi các em đến tuổi vào trường phổ thông, thì các em học rất khá, vì các em có chút ít tiếng Kinh làm vốn và đã từng làm quen với lớp học..

Nhất định những “Nhà Giữ Trẻ”kiểu này phải được nhân lên.

 

7.       Chăm sóc Bệnh Nhân Thượng nghèo và chuyển đi tuyến trên:

Gần Bệnh viện tỉnh Gia Lai, Đức Giám Mục đã mua một căn nhà nhỏ giao cho các nữ tu dòng MTG Quy Nhơn. Các Dì hằng ngày chăm sóc các bệnh nhân nghèo, đặc biệt là các bệnh nhân người Thượng đang được chữa trị tại bệnh viện. Căn nhà này, thật sự là một mái ấm cho các bệnh nhân và thân nhân đi nuôi người bệnh: có nước sạch, có nước sinh hoạt, có nhà tắm, có nhà vệ sinh, có bếp nấu, có giường để ngã lưng khi mỏi mệt. Căn nhà này cũng là nơi dừng chân của các bệnh nhân nặng cần chuyển lên tuyến trên, nhất là chuyển đi Tp HCM.

Giáo phận Kontum có một công việc phục vụ khá đặc biệt cho người bệnh nghèo: Người Thượng chỉ đi đến bệnh viện khi bệnh đã rất nặng. Y tế Huyện không chữa trị được, chuyển lên Bệnh viện Tỉnh, hoặc Kontum, hoặc Gialai. Nhiều trường hợp Bệnh viện Tỉnh đề nghị chuyển bệnh nhân đi Tp HCM: thường là Chợ Rẫy, Nhi Đồng I, Ung Bướu, Bệnh Viện Phạm Ngọc Thạch, Trung tâm Huyết Học. . . Nhiều bệnh nhân người Thượng đã không dám đi: vì sợ không đủ tiền, vì không biết đường đi, vì không biết tiếng Kinh, vì không rành các thủ tục. . . vì chưa bao giờ đi xa cả. . .Có những trường hợp gia đình đưa bệnh nhân về làng chờ chết!

Giáo phận đã đưa  rất nhiều bệnh nhân đi, về và được lành bệnh. Tất cả đều vui, đều mừng, mặc dù giáo phận có tốn kém.

Giáo Phận Kontum cũng ghi ơn các Nữ tu Bác Ái Vinh Sơn số 36 đường Tú Xương Tp HCM, đã đón tiếp, cho chỗ trọ, lo giúp thủ tục nhập việc cho các bệnh nhân.

  Công việc phục vụ này là vô cùng cần thiết cho bệnh nhân nghèo.

 

8.       Phát triển phụ nữ (văn hóa, xã hội, kinh tế):

Công việc này đang được giáo dân đứng ra lo. Bắt đầu là tập cho các mẹ người Thượng biết cách chăm sóc con cái, lo sạch sẽ trong gia đình. Giúp cách mua đúng giá: gạo, mắm, muối, cá khô. . . , bán đúng giá sản phẩm làm ra: Cà phê, khoai, mía, rau. . . Biết cân đo đong đếm chính xác. Sau đó thì lập các tổ tiết kiệm. Tập tiết kiệm chi tiêu và giúp cho mượn khi có người trong tổ cần gấp.

Đã có 46 tổ tiết kiệm, gần 600 hội viên trong 15 làng. 600 hội viên là 600 gia đình, và như thế là có 3000 đối tượng thụ hưởng.

Các mẹ gắn bó nhau trong mọi việc. Chung sức nhau để lao động. Chung tiền nhau để đầu tư phân bón. Trao đổi nhau để mua bán sản phẩm mình làm ra.

Các mẹ góp vốn để làm chuồng chăn nuôi và thỉnh thoảng có chuyên viên chăn nuôi từ Tp HCM lên để hướng dẫn chăn nuôi cho tốt.

Hể đến mùa gặt, lúa gạo còn giá rẻ, thì các mẹ bỏ vốn mua, đến lúc giáp mùa thiếu gạo, thì chia lại cho ai thiếu, nhất là những gia đình đông con.

Thỉnh thoảng các mẹ cũng được mở lớp dạy nấu ăn. Rẻ tiền mà ăn ngon miệng, cũng là nhờ biết nấu khéo.

Chương trình Phát Triển Phụ Nữ này còn giới hạn trong Giáo Hạt Pleiku mà thôi.


9. Trạm xá, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo:

Có lần Đức Giám Mục Paul Seitz đã nói với các linh mục “ làm linh mục tại Kontum, không phải chỉ biết làm lễ, dạy giáo lý, ban Bí Tích mà thôi, nhưng còn phải biết chữa bệnh, phải biết sửa xe đạp . . .” Câu này cho tới bây giờ vẫn còn đúng. Người Thượng, đa số là ở vùng xa xôi. Ít có dịp được chăm sóc sức khỏe. Sự thiếu hiểu biết về vệ sinh, về bệnh tật cũng là căn nguyên cho những cái chết rất xót xa!. Có khi đau ruột thừa mà chết vì thiếu hiểu biết, rồi cũng có khi vì thiếu phương tiện di chuyển: ở quá xa Bệnh viện, đường đi hiểm trở. . .

Các tu sĩ nam nữ đang phục vụ trong giáo phận, đều có khả năng giúp người nghèo các kiến thức sơ đẳng về vệ sinh, về bệnh tật. . .giúp biết cách sử dụng thuốc, giúp chữa những bệnh thông thường. . .Đôi khi những người Kinh đóng chốt trong các làng để buôn bán: cá khô, nước mắm, muối, bột ngọt. . .cũng kiêm luôn việc bán đủ loại thuốc chữa bệnh. Cứ theo sự chỉ dẫn trong hộp thuốc mà uống! Có còn hơn không! Thường là giá rất cao.

Điều đáng mừng, các tu sĩ đã có nhiều người có bằng cấp về y tế. Khi đi thăm các làng đều đem thuốc theo, nhiều người nghèo đã được giúp chữa lành những bệnh thông thường mà khỏi phải tốn tiền. Có một vài trạm xá loại “bỏ túi” tại Kontum, một của các nữ tu Dòng Ảnh Phép Lạ, một của các nữ tu Dòng Phaolô, đã phục vụ rất tốt cho bệnh nhân nghèo.

Giáo Hạt Pleiku chưa có trạm xá loại “bỏ túi” khá quy mô này.

 

10.   Nước sạch cho người nghèo:

Người Thượng ở Tây Nguyên xưa nay không có thói quen uống nước giếng. Các làng Thượng thường được lập ở gần sông, suối, hoặc chỗ có nước “giọt” (nước mạch). Bây giờ các nguồn nước trên hầu hết đã bị ô nhiễm do thuốc trừ sâu, phân hóa học, rác rưởi . . .

Có một linh mục người Úc đến thăm một làng Thượng, thấy dân làng uống nước “giọt”, trẻ em thì bị ghẻ, người lớn thì xanh xao, linh mục đó bảo: “80% bệnh tật của người nghèo là do nước uống không sạch”

Các linh mục, tu sĩ nam nữ trong giáo phận rất ý thức việc này, nên đã nỗ lực hết sức để người nghèo có được nước sạch để sử dụng. Cách thứ nhất là dẫn nước từ trên núi gần làng về tại làng. Nước đầu nguồn bao giờ cũng sạch hơn! Cách thứ hai là trang bị hệ thống lọc nước để có nước tinh khiết cho dân sử dụng. Cách thứ ba đơn giản là kêu gọi uống nước đun sôi. Có một linh mục kia đã thêm vào một tội trong bản xét mình: “Tội không chịu đun nước sôi cho gia đình uống”.

Còn rất nhiều làng Thượng chưa có nước sạch để uống, thậm chí cũng không đủ nước sử dụng trong sinh hoạt, hoặc phải đi khá xa mới có nước, vì bây giờ có nhiều giòng suối bị cạn kiệt.

Ban BAXH nhất định phải lưu tâm nhiều về nước sạch cho dân làng.

 

11.   Nhà dưỡng lão:

Tại giáo xứ An Khê (Đồng Găng), các nữ tu Dòng Phaolô đang chăm sóc các người già neo đơn trong vùng, cũng có người từ Bình Định lên. Trên dưới khoảng 10 cụ trong nhà. Khi trồi, khi sụt. Khi đến, khi đi. Tóm lại khi nào cần thì đến. Các nữ tu cũng năng thăm viếng và giúp đỡ các cụ nghèo tại các gia đình.

Các cụ già rất cần sự nâng đỡ tinh thần. Các cụ Công giáo lại rất cần có Bí Tích.

Có những cụ già, bệnh tật, có khi là bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan. Mà vì hoàn cảnh nghèo buộc lòng phải ở chung với con cháu. Rất ồn ào cho người già bệnh tật, rất nguy hiểm cho con cháu. Nhiều gia đình, nhất là người Thượng, thiếu cả phương tiện cần thiết như: nhà vệ sinh, phòng tắm . . .

Giá mà các nhà xứ, dành một ít phòng, trang bị đầy đủ tiện nghi, dành cho người già nghèo trong giáo xứ, rồi có người tình nguyện hoặc con cháu đứng ra lo phục vụ. Chắc chắn các cụ mừng lắm! Vì được sống những tháng ngày cuối đời trong bình an và hạnh phúc, lại được sống gần nhà thờ để cầu nguyện và tham dự thánh lễ.

Việc BAXH cho người nghèo cao tuổi bệnh tật là quan trọng và cần thiết biết bao!

 

12.     Bảo vệ sự sống:

Ở Việt Nam bây giờ, nạn phá thai là quá nhiều và tràn lan khắp mọi nơi, mọi chốn, từ thành thị đến thôn quê. Chỗ nào cũng có người tìm cách phá thai; vì đồng tiền, chỗ nào cũng có người làm cái việc phá thai.

Phá thai dù ở giai đoạn nào cũng mang tội giết người.

Có người không nỡ giết con mà phải làm việc đó, vì hoàn cảnh chưa nuôi con được, vì không đủ kinh phí để sinh con, vì danh giá của mình, vì danh dự của gia đình, vì luật không được sinh quá 2 con. . .

Ban BAXH phải giúp tháo gỡ những khó khăn này.

Các cháu được sinh ra thật rất dễ thương, kháu khỉnh. Nếu quả thật người mẹ muốn nuôi con mình sinh ra, thì ban BAXH nên tìm cách giúp đỡ để mẹ nuôi con. Bỏ con mình để người khác nuôi, người mẹ phải bị lương tâm dày vò suốt đời, mà các cháu lớn lên biết mình bị mẹ ruột rẩy bỏ, thì cũng bị ray rức về mẹ mình suốt đời, có khi tìm mọi cách để tìm mẹ đẻ ra mình.

Nếu người mẹ nhất quyết không nuôi được con, ta phải nuôi các cháu như con mình vậy. Các nữ tu đã làm điều này rất tốt.

Chôn cất các thai nhi bị giết, không chỉ là việc xã hội, như chôn cất một con vật chết vì sợ bị hôi thối, cũng không phải chỉ là việc nhân đạo vì tình thương đồng loại mà thôi, nhưng đó là công việc của đức tin: Tin rằng thân xác con người sẽ sống lại, tin rằng thân xác con người là tác phẩm tuyệt vời của Thiên Chúa, tin rằng thân xác con người là đền thờ Chúa Thánh Thần, và tin rằng đó là thân xác của các thánh Anh Hài.. .

Làm sao mà chúng ta nỡ bịt tai, nhắm mắt làm ngơ để các em bị vứt vào sọt rác.

Ban BAXH cũng phải đặc biệt lưu tâm đến việc này, nhất là trong thời buổi hôm nay.


          III/ SỐ LIỆU: Thời điểm tháng 6 năm 2008:

  1. Phục vụ Bệnh Nhân Phong:                                                                  1722 bệnh nhân.
  2. Chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ mồ côi:                                                   500 em.
  3. Trẻ khuyết tật:                                                                                                80 em.
  4. Dạy nghề cho người Thượng:                                                                   286 người.
  5. Nhà Nội Trú cho học sinh Thượng các vùng xa về trọ học:     1800 em.
  6. Nhà trẻ miễn phí hoặc giảm học phí:                                                   233 em.
  7. Chăm sóc bệnh nhân Thượng nghèo và chuyển đi tuyến trên: 660 BN
  8. Phát triển phụ nữ (văn hóa, xã hội, kinh tế):                                3.000 người
  9. Trạm xá, chăm sóc y tế  miễn phí:                                                  15.000 người/năm
  10. Nước sạch cho người nghèo:                                                             20.000 người
  11. Nhà dưỡng lão:                                                                                                 10 người.
  12. Bảo vệ sự sống:                                                                                                 20 bà mẹ



IV. NGÂN SÁCH  NĂM  2007


Hoạt động

Ngân sách

Sẵn có

Từ bên ngoài

Tổng cộng

Phát triển cộng đồng (chăn nuôi, trồng trọt, chống suy dinh dưỡng,    nước sạch . . .)

21.000.000

1.986.132.000

2.007.132.000

Huấn nghệ

136.000.000

136.000.000

Phát triển kinh tế

50.000.000

561.150.000

611.150.000

Giúp các trẻ khuyết tật  – Giúp học sinh nghèo đi học

452.453.000

329.503.000

781.956.000

Giúp BN Phong

851.830.000

851.830.000

Trạm xá

      10.000.000

30.000.000

          40.000.000

Nhà Mồ Côi         65.000.000

462.000.000

527.000.000

4.955.068.000 

598.453.000  

  4.356.615.000     

 



       

TỔNG CỘNG SỐ TIỀN    4.955.068.000 ( bốn tỷ chín trăm năm mươi lăm triệu không trăm sáu mươi tám ngàn đồng)

     IV/ VỀ NHÂN SỰ:

     A/ Thuận lợi

 Ban BAXH giáo phận Kontum được sự cộng tác nhiệt tình của:

  1. Đức Giám Mục giáo phận và các cha sở: Vai trò chỉ đạo và động viên là quan trọng.
  2. Các Dòng Tu đóng chân trên địa bàn giáo phận Kontum: Dòng Phanxicô, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Phaolô Đà Nẵng, Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm, Dòng MTG Quy Nhơn, Dòng MTG Tân Việt, Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh sơn, Dòng Chúa Quan Phòng, Dòng Ảnh Phép Lạ, Dòng Đaminh Rosa Lima, Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể, Dòng Nữ Vương Hòa Bình, Dòng Don Bosco. . . hết lòng vì người nghèo, nhất là học sinh nghèo.
  3. Giáo dân Kinh và Thượng: Đa số là giáo dân Thượng, rất tích cực.

B/ Khó khăn:

  1. Nhân sự còn thiếu, cộng tác viên không có thù lao
  2. Địa hình rộng, chưa tiếp xúc được hết những người cần được giúp đỡ.
  3. Không đủ kinh phí hoạt động.


V/ NHỮNG VẤN ĐỀ XÃ HỘI MÀ GIÁO PHẬN KONTUM CẦN NỔ LỰC HƠN

  1. Nghèo đói: Thu nhập không đủ chi dùng (Thiếu ăn, thiếu mặc, bán lúa non, thiếu chăm sóc y tế, thiếu nước sạch . . .).
  2. Giáo dục: Tỷ lệ học sinh Thượng vào Đại Học, Cao Đẳng, Trung Cấp, Cấp 3: rất thấp. Trẻ em bỏ học rất nhiều; không theo kịp chương trình học. Rất ít người theo học và làm các ngành nghề thủ công, dịch vụ
  3.  Phong cùi: Còn khá nhiều BN Phong, nhất là ở các làng xa, khả năng mắc bệnh lại sau khi được điều trị rất cao, rất nhiều BN Phong không tiếp cận được sự chăm sóc của y tế cộng đồng. Hội nhập cộng đồng xã hội sau điều trị rất khó khăn.


­VI/ Những vấn đề Xã Hội giáo phận Kontum cần đưa vào chương trình thực hiện:

Tại Giáo phận Kontum, có những điều rất cần phải đưa vào chương trình thực hiện của công tác BAXH sớm chừng nào hay chừng đó.

    1.                  Mại dâm, ma túy:

a/ Vấn đề ma túy: Nơi giới trẻ người Thượng: chưa nghe nói, nhưng điều gì cũng có thể xảy ra. Đề phòng trước vẫn tốt hơn.

b/ Vấn đề mại dâm: Trước kia không nghe nói vấn đề nay trong các buôn làng người Thượng. Mấy năm gần đây, người Kinh sống gần người Thượng rủ rê, đã có những thiếu nữ Thượng cũng đi làm gái mãi dâm vì dễ kiếm tiền. Cơ hội hơn là chuyên nghiệp.

Ma túy và mại dâm là vấn đề nhức nhối cho xã hội. Giáo Hội không được “đứng bên lề”.

    2.                  HIV-AIDS

Năm 1993, có một linh mục ở Pleiku đã gửi trước sau 22 người nghiện xì ke, lang thang đầu đường xó chợ, đi cai nghiện tại Trung Tâm Cai Nghiện Bình Triệu – Tp HCM.

Sau cai nghiện đã có nhiều người làm lại cuộc đời rất tốt đẹp.

Đến nay, tất cả 22 người này đều đã qua đời. Một số được xác định là bị nhiễm HIV.

Ban BAXH Giáo phận, có thể vì phải lo quá nhiều việc, như: phong cùi, nghèo đói, bệnh tật. . . nên chưa chú tâm về HIV-AIDS.

Có vài lần Đức Giám Mục mời các chuyên viên Xã hội về ma túy và HIV đến nói chuyện trong giáo phận, nhưng chưa có chương trình thực hiện cụ thể.

Giáo Hội phải là niềm cậy trông của những người cùng khổ!

 3.                  Môi trường:

Tại Tây nguyên, con người đang phải trả giá nặng về những hành động mà mình đã gây ra với môi trường sống: Sông suối cạn kiệt, lũ lụt hàng năm gây rất nhiều thiệt hại vì rừng bị tàn phá dữ dội, các giòng nước bị ô nhiễm vì rác rưởi, vì nước thải sinh hoạt, vì thuốc trừ sâu, vì phân bón. . .

Đời sống người Thượng gắn liền với thiên nhiên: với giòng suối, con sông, cái nương, cái rẫy, với rừng núi linh thiêng. . .nên người Thượng bị tác hại nặng nề nhất!

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đã kêu gọi mọi người phải cứu lấy môi trường sống chung quanh mình

Ban BAXH hãy đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường.

 

Bài đọc thêm

 

                        GIÁO PHẬN KONTUM NÊN GIÚP ĐỠ                         

  NGƯỜI NGHÈO NHƯ THẾ NÀO ?

1.         Giúp người nghèo thoát khỏi cảnh đói rách triền miên.

           Từ lâu nay các ân nhân đã lưu tâm giúp đỡ cho người nghèo: đói thì cho gạo, rách thì cho áo; nhất định đó là điều cần thiết,  nhưng chúng ta cũng cần có bổn phận giúp cho họ ý thức vươn lên trong cuộc sống để thoát khỏi cảnh nghèo khó và còn có thể giúp những người chung quanh họ nữa. Một linh mục đã khuyên giáo dân Thượng của mình: “Anh em hãy thay đổi cách làm việc, chứ cứ 8, 9 giờ sáng mới tới rẫy, 3,4 giờ chiều thì đã về, thì anh em sẽ cứ nghèo miết, không giàu được đâu”. Giáo dân đó vui vẻ trả lời: “Cha mới sợ nghèo, chứ con không sợ nghèo, vì con nghèo quen rồi!”

             Người làm công tác Bác Ái Xã Hội của Giáo Phận phải nỗ lực để thắng được những tư tưởng lạc hậu này. Cũng một mảnh đất đó, khí hậu đó, thời tiết đó, nhưng nếu là người Kinh canh tác thì kết quả cao hơn nhiều. Làng Thượng nào cũng nuôi nhiều bò, nhiều người Kinh đi vào làng nhặt phân bò để bón cho vườn cà phê mình, trong lúc đó người Thượng thì đi mua phân hóa học để bón cho ruộng đất  nhà mình!

2.   Giúp người nghèo Thượng nói được, đọc được tiếng Việt.

Nói được tiếng Việt sẽ mạnh dạn trong giao tiếp, sẽ dám đi chợ, đi khám bệnh, mới giao tiếp được với người Kinh và dễ giao tiếp với các anh em sắc tộc khác, vì tiếng Việt là tiếng phổ thông. Đọc được tiếng Việt sẽ đọc được tiếng sắc tộc mình. Chữ viết Jơrai, Bahnar, Sêđăng đều dùng mẫu tự a, b, c . . cả. Người nghèo Thượng sống ở vùng xa thường mù chữ, nhất là con cái anh chị em bệnh nhân Phong. Nhiều thiếu nữ Jơrai sắp kết hôn, muốn học cho biết đọc và biết viết cái “chữ” trước khi lấy chồng. Con trai Thượng bây giờ cũng thích lấy người vợ biết đọc biết viết, và nhất là biết nói tiếng Việt!

Kinh nghiệm cho thấy, chỉ cần 6 tháng cho một khóa, thì các thiếu nữ này không những biết đọc, biết viết tiếng Việt mà còn đọc được, viết được tiếng sắc tộc mình. Các em còn được học cách chăm sóc trẻ em sơ sinh để sau này có thể chăm sóc con mình, được học nấu ăn những món ăn đơn sơ như: kho cá, canh chua, luộc rau . . . được học sống vệ sinh để giữ gìn sức khỏe cho mình, cho gia đình mình và được học bao nhiêu điều khác rất cần thiết để sống vui vẻ hạnh phúc. Một người Vợ, người Mẹ như thế, thật sự cần thiết cho mỗi gia đình. Đa số các sắc tộc Tây Nguyên lại theo chế độ mẫu hệ. Người Jơrai lấy họ mẹ chứ không lấy họ bố.

  3.      Giúp người nghèo sử dụng tiền bạc cho hợp lý:

Với sự phát triển kinh tế chung, người nghèo nói chung và đặc biệt là người Thượng  cũng được Nhà Nước tạo nhiều điều kiện để có thể trồng các loại cây công nghiệp và nông nghiệp như: cà phê, cao su, mía, mì v.v. . .Nhưng một khi có tiền trong tay, đồng tiền làm ra đã được sử dụng nhiều khi không hợp lý. Đua đòi mua sắm những thứ chưa thực sự cần thiết nhất cho đời sống gia đình, ví dụ như: phải sắm xe gắn máy, tivi, điện thoại di động, máy đĩa thứ “xịn”nhất như mọi người,  trong khi đó ít nghĩ tới ngày mai phải có gạo để ăn, phải có sách vở cho con học hành, phải có thuốc men khi bệnh tật đau yếu. Thêm một tệ nạn nữa là: Khi có tiền thì dễ sinh ra nhậu nhẹt say sưa làm mất hạnh phúc gia đình và làm gương mù cho con cái.

Có xe cộ thì tốt, nhưng không am tường luật lệ giao thông thì dễ gây ra tai nạn cho mình và cho người khác. Có chuyện rằng: Cảnh sát hỏi: “Có biết chở 3 là phạm luật không?” Trả lời: “Ba đứa góp tiền mua xe, đi đâu cũng phải 3 đứa chớ” .Ba người này trên đường đi xưng tội về.

   4.              Giúp người nghèo BÁN sản phẩm mình làm ra,  với giá CAO NHẤT.   

Hầu như tất cả những người đi thu mua sản phẩm của người Thượng, đều lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người Thượng  để cân gian, ép giá mua rẻ sản phẩm nông nghiệp của họ. Tội nghiệp nhất là phải bán  “non” sản phẩm của mình khi cần tiền. Có trường hợp để chữa bệnh cho vợ, người chồng đã phải bán “non” hoa trái của mấy trăm cây cà phê trong vườn nhà lấy một triệu đồng mà lo cho vợ. Hai tháng sau người mua “non” này bán lại cho con buôn số cà phê đó được 7 triệu đồng. Tất cả hoa màu khác, nếu phải bán “non” thì đều chịu chung một số phận như thế.

Các người làm công tác Bác Ái Xã Hội nên có kế hoạch và phương thức để giúp cho người Thượng  bán được giá cao nhất những sản phẩm nông nghiệp do họ làm ra.

5.      Giúp người nghèo MUA

  1. được những nhu yếu phẩm với giá THẤP NHẤT.                                                                                                                                   

Từ xưa người Thượng  không rành cân, đo, đong, đếm, và vì thế mà không làm nghề mua bán. Ở các thành phố Tây Nguyên thương mại được phát triển như Pleiku, Kontum, cũng chưa có cửa hàng nào do người Thượng  làm chủ. Nếu có ai đó đi đến những làng Thượng ở xa, cách thành phố 5, 7 chục cây số, đều thấy có người Kinh đến đóng chốt để mua bán và đổi chác hàng hóa cho người Thượng,  từ con cá khô cho đến chai nước mắm với giá rất cao để lấy tiền hoặc những sản phẩm như củi, trái cây, gà, heo, lúa gạo . . .với giá rất là bèo!

Giúp cho người nghèo tiết kiệm tiền thiết thực nhất là giúp cho họ được mua những mặt hàng tiêu dùng hàng ngày với giá thấp nhất có thể được. Có một linh mục trẻ đã mua 40 tấn gạo, 2000 lít nước mắm, 6 tấn muối, 1000 ký cá khô từ Pleiku mang về Kon Kơla, Kon Du thuộc tỉnh Kontum cách thành phố Pleiku hàng trăm cây số, về chia lại giá vốn cho người nghèo trong các làng của địa sở mình, hết đợt này lại mua đợt khác. Như thế là làm lợi cho người nghèo hàng nhiều triệu đồng. Thấy được nhiều linh mục, tu sĩ đã làm như thế lâu nay. Ước gì những việc này được nhân rộng lên nữa.

  6.      Giúp người nghèo sử dụng tốt nhất những tài sản và phương tiện phục vụ đời sống mà họ đang có.

Giúp cho người nghèo biết bảo quản những vật dụng họ đang dùng là giúp cho họ tiết kiệm được một số tiền rất lớn. Có một người Kinh rất thương yêu và hay phục vụ cho anh em Thượng nghèo đã kể: Khi mua cho một người Thượng nọ một máy nổ để tưới cà phê, anh ta đã sử dụng cho đến khi máy không nổ được thì mới kêu người sửa, khi thợ đến thì phát giác ra máy đã khô hết nhớt từ lâu rồi! “Còn chạy được thì cứ chạy, chưa hư mà sao phải sửa!” Và lý luận như thế cho mọi vật dụng: Xe gắn máy, máy CD, VCD, máy bơm, máy xay v.v. . . đều có chung một số phận như vậy. Mà khi đã đến lúc hư rồi thường là coi như vất luôn.

Ngay cả áo quần mặc, đã có những trường hợp các ông mặc áo đến lúc dơ quá không chịu được nữa, bèn trở bề trái ra ngoài mặc tiếp cho đến khi thấy không còn mặc được nữa thì bỏ!

7.      Giúp người nghèo phòng bệnh để khỏi tốn tiền thuốc và có sức khỏe để lao động.

Còn có khá nhiều người Thượng nghèo chưa được tiếp cận với những tiến bộ của ngành Y Khoa về chăm sóc sức khỏe và ý thức tầm quan trọng của việc phòng bệnh trong đời sống hằng ngày, từ chuyện ăn sạch, uống sạch, ở sạch đến mặc sạch. Chưa có thói quen uống nước đun sôi, chưa ý thức được việc chích ngừa cho trẻ sơ sinh là cần thiết. Chưa biết đau ruột thừa là cái gì và đã có người chết vì sự thiếu hiểu biết này. Hiện nay hầu hết người Thượng chưa biết HIV/AIDS  là gì, cách phòng chống ra sao, mặc dù đã có người bị lây nhiễm HIV. Còn rất nhiều người khi đau yếu không tìm đến bệnh xá  điều trị mà lại giao phó mạng sống mình cho Thầy Mo, Thầy Bờ Dâu, để rồi tiền mất tật mang!

Ở các làng xa thì mạng lưới y tế chưa được phổ biến một cách chu đáo. Ở xa xôi cho nên ít được dịp để gặp thầy thuốc, gặp bác sĩ để được khám chữa bệnh. Khi có bệnh thì gắng gượng hoặc là mua thuốc từ những người không hiểu biết nhiều về thuốc men bán cho. Khi bệnh nặng thì việc tìm phương tiện chở đi đến bệnh viện cũng khó khăn và thường là phải tốn kém khá nhiều tiền mới chữa trị được. Có khi là quá trễ! Bệnh nặng thì buộc lòng phải bán đất, bán bò để chạy chữa. Công việc lao động bị ngưng trệ vì cả nhà phải đi nuôi người bệnh, có khi phải dẫn cả chó theo vì không còn ai ở nhà!

Những bệnh thông thường như cảm cúm, sốt rét, tiêu chảy nếu biết phòng chữa trị đúng cách sẽ mau khỏi, ít tốn kém, bằng không thì bệnh kéo dài làm sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng nhiều đến khả năng lao động để sinh sống.

Đơn cử có một cháu gái 5 tuổi bị tiêu chảy 5 ngày, nhưng người mẹ vì thiếu hiểu biết đã không dám cho con uống nước nhiều, đến khi gặp vị linh mục, được hối thúc chở đi bệnh viện chỉ cách làng 15 cây số, nhưng cháu đã kiệt sức và tắt thở trên tay của mẹ mình. Đau đớn thay! Cháu rất dễ thương!

Các Mục Tử cũng như các Tu Sĩ trong Giáo Phận đã cố gắng có những tủ thuốc, những trạm xá, có những Tu Sĩ là Y Tá, Y Sĩ chăm lo chữa bệnh cho người nghèo, nhưng mà vấn đề giáo dục nâng cao nhận thức về giữ gìn sức khỏe, phòng chống bệnh tật là cần thiết hơn. Đặc biệt cần phải lưu tâm đến các người mẹ nghèo mang thai và nuôi con mọn.

8.      ­Giúp người nghèo khi bệnh tật, được chữa trị theo cách thức và điều kiện tốt nhất.

Khi bệnh thật sự nặng người Thượng mới đưa người nhà về Bệnh Viện Tỉnh. Nhiều trường hợp bệnh nặng, được Bệnh Viện Tỉnh đề nghị đưa lên tuyến trên chữa trị như Tp Hồ Chí Minh chẳng hạn, thì bệnh nhân và người nhà mất tinh thần và rất lo lắng: Phần là vì chưa bao giờ ra khỏi tỉnh, phần là vì không biết rành tiếng Kinh, phần là không biết đường đi và nhất là không có tiền để đi, nên đã  có trường hợp  đưa người thân về làng chờ chết!

Đức Giám Mục Kontum đã có một chương trình vô cùng thiết thực và ích lợi để giúp cho các bệnh nhân nghèo người Thượng. Ngài đã nhờ các Nữ Tu Dòng MTG Quy Nhơn và một số giáo dân tình nguyện an ủi, chỉ vẽ, hướng dẫn cho các bệnh nhân tại Bệnh Viện Tỉnh Gia Lai. Giúp đỡ, chăm sóc, lo ăn uống cho những bệnh nhân người Thượng không có thân nhân. Nhất là khi có bệnh nhân cần phải chuyển đi tuyến trên, thì được các Nữ Tu hoặc Cộng Tác Viên giúp đỡ dẫn đưa đi, lo giấy bảo hiểm y tế, đến nơi thì lo thủ thục nhập viện, thủ tục hành chính, chổ ăn, chổ ở, chi phí khi đi và khi về. Trong thời gian ở Tp Hồ Chí Minh, các bệnh nhân này cũng được các Nữ Tu Bác Ái Vinhsơn – 36 Tú Xương –cho ở trọ tại Nhà Dòng, cũng có nhiều Ân Nhân hằng tâm hằng sản ở Tp Hồ Chí Minh chăm lo giúp đỡ, chăm sóc về tinh thần cũng như  vật chất, giữ giùm chút ít tiền bạc của bệnh nhân. Đã có nhiều người bị móc túi sạch!

Có rất nhiều bệnh nhân sau một thời gian ngắn điều trị kịp thời đã khỏe mạnh trở về với gia đình vô cùng vui vẻ.Các Nữ Tu, các Ân Nhân và các Tình Nguyện Viên đã góp phần giúp đỡ cũng vô cùng vui mừng!

 9.      Những điều đang thấy: Vừa vui mừng, vừa e ngại!

a.  Đã lác đác những ngôi sao mơ ước xuất hiện trên bầu trời

Bây giờ người Thượng cũng đã nỗ lực tìm cách cho con cái được học hành. Có nhiều bác sĩ, nhà giáo, nghệ sĩ là người Thượng. Các nhà nội trú Thượng được mở nhiều nơi. Đức Cha, các Cha và các Dòng Tu trong giáo phận đã mở nhiều Nhà Nội Trú cho học sinh Thượng. Không bao giờ có đủ chỗ cho các em!

Hiện nay nhiều gia đình người Thượng cũng biết lo làm ăn phát triển kinh tế, làm nên nhà cao  cửa rộng, có ruộng có vườn, đời sống được nâng cao từng ngày.

Khá nhiều người trẻ Thượng bây giờ đã nhận thức được việc học hành là quan trọng, biết ăn mặc đẹp hơn với mọi người và biết hãnh diện về văn hóa bản sắc Thượng mình như: cồng chiêng, y phục Thượng. Điều này thể hiện rõ trong những ngày lễ hội, nhất là nơi anh em Thượng các làng có đạo. Nhiều làng đã sắm lại các bộ cồng chiêng và các nhạc cụ truyền thống.

b.  Đang nảy sinh những điều đáng lo ngại!

Giúp người nghèo làm ra và gìn giữ của cải là quan trọng, nhưng giúp họ giữ được những giá trị tinh thần còn quan trọng hơn nữa. Khoảng năm 1997, một bác sĩ người Pháp, rất thân với cố linh mục Antôn Vương Đình Tài, nói với một vị linh mục về giáo dân người  Jơrai tại Plơi Chuêt: “Nhà họ ở không đẹp bằng nhà tôi, thức ăn của họ ăn không ngon bằng thức ăn của tôi, áo họ mặc không đẹp bằng áo của tôi. Nhưng mà họ có nhiều điều rất quý mà tôi không bằng: Sự ăn ngay nói thật, tình tương thân tương ái, sống hiền hòa với nhau, lòng đạo đức với Chúa Trời. . . Những điều tốt đẹp này đang dần dần mất đi, khi người Thượng sống gần những người có nhiều tật xấu. Điều tốt không bắt chước mà điều xấu thì lại dễ lây! Giáo Hội phải có bổn phận gìn giữ cho người Thượng những giá trị đạo đức này”

* Chúa Giêsu dạy: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, thì nào được ích gì” (Mc 8, 36). Thêm một chút của cải vật chất, mà mất đi những giá trị đạo đức truyền thống, thì có đáng chăng?

   Bác Ái Xã Hội Ki Tô Giáo nhất định phải lưu tâm đến cả hai mặt: Phát triển kinh tế và phát triển những giá trị đạo đức.

Hãy giúp đỡ Người Nghèo đứng dậy và tập cho họ đi con đường của cuộc đời mình và để rồi họ có thể giúp đỡ những người khác đứng dậy.

                                  Pleiku, ngày 30 tháng 3 năm 2008

                              Chúa Nhật kính LòngThương Xót Chúa

                                   Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

                             Ủy Ban Bác Ái Xã Hội Giáo Phận Kontum

 

 

  A/   Một vài nhận định về nguyên nhân nghèo đói của Người Thượng

  1. Theo sự phát triển của xã hội, môi trường thiên nhiên  không còn như xưa:
  1.   Không còn đất đai mênh mông vô tận như xưa.
  2.  Không còn rừng kề cận buôn làng để thu lượm và săn bắt như xưa.
  3.   Sông suối không còn nhiều tôm cá, cua ốc để đánh bắt  như xưa.
  1. Người Thượng thiếu kiến thức để lao động có kết quả.
  2. Nhận thức về lao động còn bị ảnh hưởng các tập tục hủ lậu thời  du canh du cư, còn phụ thuộc và phó thác vào thiên nhiên.
  3. Người Thượng thiếu óc cầu tiến, thiếu kiến thức khoa học, thiếu tính toán trong mua sắm.
  4. Người Thượng đẻ rất nhiều, đông con.

B/  Nhận định về việc Mục Vụ hôm nay của ĐGH Gioan Phaolô II

     Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói:  công tác Mục Vụ có 3 điểm không thể thiếu và luôn đi cùng nhau, như kiềng 3 chân:

  1. Mục vụ thiêng liêng: Thánh lễ, ban Bí tích, giáo lý.v.v. . .
  2. Mục vụ xã hội: Đời sống vật chất, kinh tế, sức khỏe: đói  thì giúp cái  ăn, rách thì giúp cái mặc, khi bão lụt thì giúp đỡ cứu trợ, bệnh tật thì giúp thuốc men v.v.
  3. Mục vụ văn hóa: Nâng cao dân trí để thăng tiến con người một cách bền bỉ: Xóa mù, dạy nghề, lớp tình thương, khuyến học, nhà nội trú, hướng dẫn phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe .v.v. .

Năm 1982 khi thành lập Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói riêng với Đức Hồng Y Poupard với niềm xác tín qua kinh nghiệm đời mình:    “Nếu không có một chương trình mục vụ về văn hóa thì chẳng có chăm sóc mục vụ gì cả.”

Mục vụ là công việc chăn nuôi thì việc chăm sóc phải thấy rõ nhu cầu của con người ngày nay gồm ba chiều kích, không thể thiếu một chiều kích nào được. Kiềng ba chân, chỉ thiếu một chân là đã mất cân bằng.          

 


* Xin Quý Đức Cha, Quý Cha , Quý Nam Nữ Tu sĩ  và những ai tha thiết với việc phát triển đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người nghèo góp ý, để Ban Bác Ái Xã Hội Giáo Phận phục vụ thiết thực hơn. Cảm ơn