Home > TinTức > -BẢN DỰ THẢO TINH THẦN BÁC ÁI XÃ HỘI CARITAS KONTUM

-BẢN DỰ THẢO TINH THẦN BÁC ÁI XÃ HỘI CARITAS KONTUM

20/05/2011

.  

   

         

BẢN DỰ THẢO  TINH THẦN BÁC ÁI XÃ HỘI

CARITAS KONTUM

 

I.       VÀI NÉT BỐI CẢNH

1.Một Vài Con Số

 Giáo phận Kontum hiện nay bao gồm hai tỉnh Kontum và Gialai.

Diện tích chung cả hai tỉnh là 25.110,21 km2.

Dân số chung cả hai tỉnh là 1.629.745 người. Gồm nhiều sắc dân: Kinh, Bahnar, Jrai, Xêđăng, Rơngao, Jeh, Hơlăng, Xơdră và một số sắc dân khác ít hơn.

Tổng số giáo dân là 246,947 người, chiếm tỉ lệ 15,2% trên tổng dân số; trong đó giáo dân Kinh là 83.378 người và giáo dân người dân tộc là 163.569 người thuộc nhiều sắc tộc khác nhau, chiếm tỉ lệ cao là người Jrai, Bahnar, Xêđang và Rơngao[1].

2.Một Vài Nét Về Caritas Kontum

2.1.      Trước 1975

Do vị trí đặc biệt của vùng Tây Nguyên nói chung, của Kontum và Gialai nói riêng, nên trước năm 1975, đây là vùng chiến tranh khốc liệt. Ngay từ khi Caritas Việt Nam khai sinh, Caritas Kontum cũng hình thành từ rất sớm. Các hoạt động chính yếu của Caritas Kontum lúc đó là giúp đỡ cho đồng bo khơng phn biệt lương giáo, sắc tộc, cứu giúp những nạn nhân chiến tranh, về lương thực thực phẩm, bột mì, thuốc men, nâng đỡ cuộc sống của đồng bào về vật chất và tinh thần. Các hoạt động đều được giúp đỡ bởi Caritas các quốc gia Âu Mỹ. Nhìn chung, chỉ là những hoạt động cứu trợ, “khiến nhiều người khi nghe đến Caritas là nghĩ đến bánh mì, đến bơ sữa, đến quần áo vật dụng…[2]. Trụ sở của Caritas Giáo phận Kontum được đặt tại một khu vực gần nhà thờ Đức An – Pleiku.

2.2.      Từ 1975 đến 1986

Sau biến cố 1975, dân chúng đã di tản về những miền khác của đất nước trong thời kỳ chiến tranh nay trở về quê cũ. Nhiều người từ nhiều vùng, miền trong nước lên Tây Nguyên lập nghiệp, có cả người Dân Tộc từ Tây Bắc vào. Cả đất nước lo gầy dựng lại cuộc sống sau những năm dài chiến tranh. Giai đoạn này có nhiều khó khăn trong đời sống kinh tế.

 Năm 1976  Caritas Việt Nam bị đình chỉ  hoạt động, Caritas Kontum cũng chung số phận và trụ sở Caritas tại Pleiku bị trưng dụng (1988 ?). Các hoạt động công khai của Caritas Kontum không còn nữa. Tuy nhiên tinh thần Caritas vẫn sống trong những hoạt động âm thầm. Cả giáo phận đã chia sẻ với nhau những củ khoai, lát mì trong giai đoạn khó khăn này. Các Yă Dòng Anh Phép Lạ đã đi mót từng hạt lúa, bó rau để cưu mang những trẻ mồ côi; và các Nhà Mồ Côi Vinh Sơn 1, 2 đã được lần lượt thành lập, để nuôi dưỡng các cháu mồ côi người dân tộc thiểu số, cho dù đời sống các Yă còn rất nhiều khó khăn. Các linh mục và tiêu biểu là các Nữ tu vẫn âm thầm len lỏi vào các buôn làng để giúp đỡ, chia sẻ, lo lắng chăm sóc cho những anh chị em Bệnh Nhân Phong và những người nghèo khó.

2.3.      Từ 1986 đến 2010

Cơn gió đổi mới trên đất nước Việt Nam đã thổi từ năm 1986, nhưng cơn gió đó chỉ thực sự thổi tới Tây Nguyên vào những năm đầu thiên niên kỷ thứ 3. Nhưng chúng tôi vẫn lấy mốc cho giai đoạn này từ năm 1986 vì các hoạt động xã hội tuy không mang danh Caritas nhưng đã được các linh mục, tu sĩ và giáo dân tích cực tham gia, cũng như có nhiều sáng kiến để có thể có những hoạt động đa dạng hơn, hiệu quả hơn.

Những hoạt động trong giai đoạn này tập trung vào việc giúp đỡ bệnh nhân Phong (1988), những người bệnh nặng, những người nghiện ma túy, những trẻ khuyết tật (1999). Cạnh đó là những hoạt động phát triển đời sống kinh tế  cho người Dân Tộc, cũng như đẩy mạnh hoạt động giáo dục, giúp các học sinh nghèo người Kinh cũng như Dân tộc trong việc học tập, qua các nhà nội trú, các lớp bồi dưỡng hè về tiếng Việt và toán, hay các lớp dạy nghề cho các em Dân Tộc.

Năm 2002, UB BAXH Giáo Hội Việt Nam được thành lập và chính thức hoạt động. UB BAXH Giáo phận Kontum cũng hình thành sau đó. Các hoạt động ngày càng đa dạng và mở rộng hơn trên nhiều vùng trong Giáo phận. Nhiều nhà trẻ được thành lập tại các làng dân tộc. Những Nhà Nội Trú được thành lập tại các giáo xứ, các dòng tu để đón các em học sinh, từ các vùng sâu vùng xa, từ các buôn làng về thành phố học tập tại các trường cấp 2, 3. Những hoạt động chăm sóc sức khỏe, giúp lương thực thực phẩm, quần áo cho bệnh nhân phong,  đưa bệnh nhân nghèo tới bệnh viện, giúp con giống, cây trồng vật nuôi để phát triển đời sống kinh tế cho đồng bào Dân Tộc. Mở các khóa đào tạo, huấn luyện kỹ năng sống cho các phụ nữ Dân Tộc.

Ngày 02-7-2008, Ban Tôn giáo Chính phủ đã chấp thuận cho tái lập Caritas ở cấp Trung ương và cấp Giáo phận[3].

Giáo Phận Kontum được sự giúp đỡ của Caritas Việt Nam trong việc tập huấn chuyên môn, huấn luyện chuẩn bị nhân sự, học tập quy chế, nội quy của Caritas, đưa các hoạt động BAXH trong giáo phận lâu nay vào nề nếp, hệ thống lại hoạt động để đợi ngày ra mắt Caritas Kontum.

 Năm 2009, thiên tai bất ngờ đổ xuống giáo phận Kontum. Hai cơn bão đã tàn phá dữ dội các vùng phía Bắc tỉnh Kontum (bão số 9), và các huyện phía đông Gia Lai (bão số 11). Làm trôi nhiều nhà cửa, cầu cống, vùi lấp nhiều ruộng vườn, đường sá, buôn làng, cuốn trôi hoa màu, gia súc, gia cầm.  Caritas Kontum tuy chưa ra mắt, nhưng đã kịp thời cứu trợ đồng bào bị nạn trong cơn bão số 9 và 11, vận động các giáo xứ trong giáo phận chia sẻ với đồng bào bị nạn, tiếp nhận sự giúp đỡ của các Caritas bạn như: Caritas Việt Nam,  Caritas Sài gòn, Caritas Hà nội, Caritas Xuân Lộc. . ., cũng như nhiều đoàn thể xã hội, các tôn giáo bạn, các ân nhân trong và ngoài nước. Ngay sau đó là tính toán công việc phục hồi và tái thiết đời sống cho đồng bào trong vùng lũ lụt và cũng được sự giúp đỡ của nhiều nơi gởi về.

Cũng trong năm này, Caritas Kontum đẩy mạnh việc lập các nhà trẻ tại các làng Dân tộc cho các cháu mẫu giáo được làm quen với kỷ luật trường lớp cũng như làm quen với tiếng phổ thông,  để các cháu được chăm sóc không chỉ về việc học mà còn được chăm sóc về sức khỏe, chống suy dinh dưỡng. Mở các lớp ôn tập tiếng Việt cho các học sinh Dân Tộc ngay từ lớp 1. Lớp Hè cho các em cấp 2, 3 tại các làng, hoặc giáo xứ người Dân tộc, chương trình phụ cấp cho sinh viên trong vùng bão lũ để các em tiếp tục việc học tập.

  1. II.    NÉT ĐẶC BIỆT CỦA HOẠT ĐỘNG BÁC ÁI CARITAS KONTUM

Do đặc thù của Giáo phận Kontum với đại đa số dân là người Dân Tộc nghèo; sống dựa vào rừng núi, nương rẫy, cộng với địa hình nhiều đồi núi; đường giao thông chưa phát triển, cũng như trình độ văn hoá còn thấp; những kỹ thuật tiên tiến chưa được áp dụng nhiều trong canh tác. Chính vì thế, hoạt động Caritas Kontum vẫn theo tinh thần Caritas Việt Nam[4], nhưng có thêm những đặc thù của riêng mình.

  1. Tinh Thần Caritas Kontum

Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma có viết: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13,8). Tất cả chúng ta đều nợ nhau món nợ Tình Yêu, nợ tương thân tương ái như Thánh Phaolô đã nói. Như vậy, món nợ này không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, ngôn ngữ. Để trả món nợ này, không có của cải nào có thể trả cho đủ, chỉ có thể trả bằng chính tình yêu, “Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình[5].

Người ta thường nghĩ rằng chỉ khi nào dư dật, có của ăn của để, mới có khả năng làm việc bác ái, từ thiện; còn nghèo đói thì có gì để mà cho. Nên nhớ rằng: Tất cả chúng ta, dù là ai đi nữa cũng đều có một tài sản rất quý mà Thiên Chúa đã cho mỗi người. Đó là Tấm Lòng. Ai cũng có một tấm lòng để biết chạnh lòng thương, để biết yêu thương nhau, để biết an ủi nhau. Ai trong chúng ta cũng muốn nên hoàn thiện, cũng muốn có cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc. Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta phương cách để có được tài sản đích thật. Đó là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời              (Mc 10, 20). Đi theo Chúa Giêsu là tiếp tục làm những việc Chúa đã làm và làm những điều Chúa dạy. Đó là chữa lành người đau yếu thể xác và tâm hồn, là cho người đói có của ăn, cho người khát có nước uống, là thăm viếng người cô đơn, là giúp đỡ những ai cơ cực.  “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6:38).     

 

  1. Lời Mời Gọi

Với tinh thần trên, Caritas Kontum xin đề nghị:

2.1.      “Người được Cha giao 5 yến” (Mt 25, 15) :

Thiên Chúa đã ban cho nhân loại trái đất này với tất cả tài nguyên phong phú để con người sử dụng và tiếp nối công trình sáng tạo của Ngài. Thiên Chúa ban chung cho mọi người, không cho riêng một ai hay một nhóm người nào, bởi lẽ mọi người đều bình đẳng trước Thin Cha. Chúng ta có được những của cải nhiều hơn người khác, cách nào đó, là lấy đi phần của những người khác. Vì thế, chúng ta có giúp đỡ những người đang nghèo khó, cơ cực cũng là trả lại sự công bằng mà Thiên Chúa đã trao cho loài người. Mặt khác, Thiên Chúa đã chỉ cho chúng ta biết đâu là tài sản, là của cải đích thật và nhà kho nào chắc chắn nhất. “Anh em hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. (Mt 6 19-21) . Của cải đích thật là những việc làm mưu cầu lợi ích cho người khác, chứ không cho bản thân mình. Những việc làm cho dù có to tát nhưng không xuất phát từ tình thương thì cũng chưa phải là của cải không hư nát. Cho nên điều kiện tiên quyết và căn bản là tình Yêu Thương. Không phải là thải ra những gì dư thừa hoặc không dùng được nữa, nhưng là nhìn đến những anh chị em xung quanh cũng có quyền hưởng những gì mình đang có.

2.2.      “Người được Cha giao 2 yến” (Mt 25, 15) :

Anh chị em hãy nghe theo lời của Thánh Phaolô trong thư thứ hai gửi tín hữu Côrintô (2Cr 8, 12-15). Thánh nhân nói đến sự đồng đều. Đó là làm thế nào để người được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu. Thiên Chúa ban cho anh chị em có của ăn hàng ngày khá hơn những người đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, Ngài cũng mời gọi anh chị em hãy chia sẻ của ăn cho những người đó. Anh chị em làm việc này là anh chị em đang tích trữ cho mình của cải không hư nát nơi Nước Trời.

2.3.      “Người được Cha giao 1 yến” (Mt 25, 15) :

Anh chị em đừng nghĩ rằng mình không có gì để giúp người khác. Anh chị em có tấm lòng và Thiên Chúa cũng không đòi hỏi anh chị em làm những việc lớn lao. Ngài nói rằng “dù chỉ một chén nước lã” thôi cũng đã có phần thưởng rồi (Mt 10, 42). Trong thực tế, chính anh chị em phải yêu thương những người đang khó khăn nhiều nhất, vì anh chị em dễ đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ như anh chị em.

Tất cả những công việc làm của chúng ta cho những anh chị em khác, nhất là cho những người nghèo khổ, bất hạnh là chúng ta làm cho Chúa. Chính Chúa đã đồng hóa Ngài với những người đó khi Ngài nói: “Vì xưa Ta đói…, vì xưa Ta khát…, Ta là khách lạ…, Ta trần truồng…, Ta đau yếu…, Ta ngồi tù… Mỗi lần các ngươi làm  làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là các ngươi đã làm làm cho chính Ta vậy., hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. ” (Mt 25,31-46). Thiên Chúa chỉ hỏi chúng ta về những việc chúng ta làm hay không làm cho người khác, nhất là những người bất hạnh. Thiên Chúa không hỏi chúng ta về việc phụng sự Ngài. Có thể nói, phụng thờ Thiên Chúa thích đáng nhất là thực hiện những công việc lành, việc nâng đỡ, an ủi, lo cho những người cơ nhỡ, nghèo khổ hơn mình. Chúa Giêsu đã khẳng định :”Sự gì ngươi làm cho một người bé mọn nhất vì danh Ta, là làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

III. TỔ CHỨC BÁC ÁI XÃ HỘI – CARITAS KONTUM

Caritas Kontum trực thuộc Caritas VN. Caritas Kontum được thành lập với hai cấp: Caritas Giáo phận và Caritas Giáo xứ theo quy chế đã được HĐGM VN phê chuẩn

  1. Cấp Giáo Phận

Trụ sở Caritas Kontum hiện nay:

v  Văn phòng 1 tại TGM Kontum, 56 Trần Hưng Đạo, Tp. Kontum.

v  Văn phòng 2 tại Nhà thờ Thăng Thiên 02 Quang Trung, Tp. Pleiku.

  1. Cấp Giáo Xứ

2.1.            Cơ Cấu Nhân Sự: Trưởng ban là Linh mục Chánh xứ và các thành viên.

2.2.Các Hoạt Động theo ưu tiên của Giáo Xứ

  1. Những Hoạt Động Ưu Tiên

Caritas Kontum ưu tiên những dự án cho đồng bào Dân Tộc, người nghèo vùng xa. Sau đây là những hoạt động mà Caritas Kontum hướng đến với thứ tự ưu tiên:

  1. Văn hóa – giáo dục cho người Dân tộc. (đặc biệt cho con cái BNP)
  2. Chăm sóc sức khỏe cho người nghèo (đặc biệt cho người Dân tộc, trẻ em, bà mẹ nghèo mang thai, bệnh nhân nghèo).
  3. Giúp đỡ gia đình BNP.
  4. Phát triển kinh tế cho người nghèo.

       IV.       KINH PHÍ 

Caritas Kontum cần có kinh phí để hoạt động. Kinh phí sẽ có được nhờ vào:

  1. Nội Lực

Đây là những tài lực và vật lực ngay trong Giáo phận. Tất cả mọi người, không phân biệt sắc tộc, ngôn ngữ, tín ngưỡng đều có thể tham gia, đóng góp cho Caritas Kontum. Những đóng góp này có thể là khả năng chuyên môn giúp cho Caritas Kontum ngày càng hoạt động tốt hơn trong mọi lãnh vực; cũng có thể là tài chính hay những vật dụng, những phương tiện giúp bà con phát triển. Caritas Kontum mời gọi mọi người tham gia vào Caritas Kontum theo một trong hai bậc hoặc cả hai bậc sau:

1.1.            Ân Nhân:  là những người đóng góp vật lực, tài lực cách phong phú cho Cariats Kontum. Caritas Kontum sẽ thay mặt những người nghèo trong Giáo phận ghi ơn họ với Bằng Ân Nhân.

1.2.            Hội Viên Caritas Kontum: là những người tham gia vào Caritas Kontum sau khi đã tìm hiểu, đã qua huấn luyện cũng như tuân thủ Nội Quy Caritas Việt Nam và Caritas Kontum. Họ sẽ tham gia bằng sự đóng góp theo nguyệt liễm do Caritas Kontum ấn định. Họ sẽ được cấp Thẻ Hội Viên do Cariats Việt Nam cấp[6].

  1. Ngoại Lực

Caritas Kontum sẽ xây dựng những dự án dựa trên nhu cầu (dự án) của Caritas Giáo xứ. Những dự án này sẽ được gửi tới:

2.1.            Caritas Việt Nam.

2.2.            Các Tổ Chức Khác: trong và ngoài nước (các ONG).


KẾT LUẬN

Do những đặc thù về miền đất và con người, Caritas Kontum ưu tiên các hoạt động của mình cho việc phục vụ đồng bào Dân Tộc. Caritas Kontum mời gọi tất cả mọi người yêu mến con người và miền đất này, nhất là những anh chị em đang sống trong Giáo phận Kontum, tham gia vào Caritas Kontum. Tất cả những nỗ lực, những công việc của chúng ta đều nhắm tới mục đích là phục vụ Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta vô cùng. Ước mong rằng với sự tham gia nhiệt tình và những đóng góp của anh chị em, Caritas Kontum sẽ ngày càng có nhiều những hoạt động đa dạng và phong phú hơn; cũng như gia đình Caritas Kontum ngày càng thêm đông đảo và có thêm nhiều bạn bè ở khắp nơi hơn nữa.

            Xin Chúa chúc lành cho chúng ta

                                                            Giám đốc Caritas

                                          Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

GPKONTUM (20.05.2011) KONTUM.

Lời Chúa là ngọn đèn rọi bước chân con




 

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu,
giàu sang, danh vọng, khoái lạc
là những điều hấp dẫn chúng con.
Chúng trói buộc chúng con
và không cho chúng con tự do ngước lên cao
để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.
Xin giải thoát chúng con
khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,
nhờ cảm nghiệm được phần nào
sự phong phú của kho tàng trên trời.
Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi
bán tất cả những gì chúng con có,
để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.
Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng
trước những lời mời gọi của Chúa,
không bao giờ ngoảnh mặt
để tránh cái nhìn yêu thương
Chúa dành cho từng người trong Chúa dành

cho từng người trong chúng con. Amen.


[1] GP Chính Toà KT, Khai sinh và Phát triển 1960-2010, trang 70, 73.

[2] ĐC Đaminh Nguyễn Chu Trinh, Cẩm Nang Caritas Việt Nam, trang 3.

[3] Cẩm Nang Caritas Việt Nam, trang 8-9.

[4] Cẩm Nang Caritas Việt Nam, trang 17-22.

[5] Lời trong bài hát “Xin cho con yêu đời, yêu người” của Phanxicô.

[6] Cẩm Nang Caritas Việt Nam, trang 37-44.